Doanh nhân Trần Quốc Lâm người “làm mới” du lịch xứ Nghệ
Đảo Song Ngư – nhìn từ phía biển
Vua Lê Thánh Tông, vị hoàng đế thứ 5 của nhà hậu Lê, những dịp đi tuần thú phương Nam, thường dừng thuyền nghỉ ngơi ngoạn cảnh đảo, trời, mây, nước, và cao hứng đề thơ:
“Biển rộng khí yên hơi ngớt lặng
Âu nằm bãi vắng giăng đang say.
Ba tòa u nhã đều thiêng lạ
Ðảo cá lô nhô biếc phủ dài”
Từ bán đảo Lan Châu, chuyến hải trình bắt đầu trên chiếc tàu cao tốc của Công ty CP Song Ngư Sơn. Giữa sóng nước mênh mang, thị xã biển Cửa Lò dần hiện ra sau từng guồng quay chân vịt. Bên trái là đảo Lan Châu xoãi mình hoà cùng mặt nước, xa hơn chút nữa là bãi tắm thoai thoải uốn cong một dáng mềm mại với những hàng dừa, phi lao như hàng my xanh mờ của bờ kéo mãi đến khôn cùng. Và bên cạnh, trước mặt, khắp mọi nơi là những chiếc thuyền đánh cá, thuyền du lịch dăng dăng lả lướt đi về. Chẳng mấy chốc, hòn Ngư đã hiện ra cận cảnh trước mắt du khách với vẻ trầm mặc xanh của cây cối lâu đời và dáng vững chãi của một Song Ngư Sơn – tên gọi đã định hình từ thời vua Lê Thánh Tông. Những bước chân đầu tiên của người đến cùng đảo sẽ bắt đầu ở bãi Chùa. Qua con đường uốn lượn dưới mát rượi bóng cây và bạt ngàn lau, chúng ta sẽ bắt gặp hai tán cây lộc vừng và một gốc dới có tuổi đời đã đến hàng trăm năm. Những gốc cổ thụ này đã vững vàng vượt qua thời gian và khốc liệt đạn bom để hiện diện cùng hậu thế. Dưới những tán cây, du khách sẽ thực sự ngỡ ngàng khi bắt gặp một ngôi chùa -chùa Song Ngư – linh thiêng và cổ kính giữa một vùng mênh mang trời nước.
Lịch sử kể lại rằng, để giữ an lành cho những chuyến đi biển của các nhà buôn và ngư dân trên tuyến đường thuỷ buôn bán xuyên Bắc Trung Nam, điểm nối 2 cửa lạch lớn (Cửa Lò – Cửa Hội) nên nhân dân vùng quanh đây đã lập nên một ngôi chùa phía Tây đảo Ngư để thờ Phật Thích ca Quan âm và Sát hải đại vương Hoàng Tá Thốn. Không chỉ là nơi ngư dân và các nhà buôn xuôi ngược biển Đông qua đây ghe lại thắp hương cầu cho trời yên, bể lặng mà bãi Chùa còn là nơi trú ngụ bình an cho tàu bè mỗi khi trời dông bão. Khi mới tạo lập, chùa được xây trên một khu đất hình cánh quạt rộng chừng 3 hecta ngoảnh mặt về hướng Tây. Trước chùa có một cái giếng, tục gọi là giếng Thần. Bởi mặc dầu đào không sâu lắm nhưng nước rất ngọt, trong và chẳng bao giờ cạn. Phía sau chùa khoảng 300m còn có một bãi tắm, gọi là bãi “tắm tiên”, nơi để tắm gội tẩy trần cho những người đến chùa hành lễ. Thật đáng tiếc, cảnh cũ sầm uất là thế, an bình là thế, trải qua thời gian và bom đạn của các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, chùa xưa nay đã bị san bằng, chỉ còn lại nền chùa cổ dãi dầu tuế nguyệt cùng mấy gốc cổ thụ.
Bây giờ vào vãn cảnh chùa và thành kính dâng hương, du khách sẽ như được đắm mình vào không khí huyền sử của hơn 7 thế kỷ về trước. Gian Thượng điện uy nghi với 3 bộ tượng chính: bộ Tam thế Phật, bộ Di đà Tam Tôn và bộ Thích ca Tam Tôn, phía trên thượng điện treo trang trọng bức hoành phi rực rỡ sắc vàng 4 chữ “Thuyền từ phổ độ” (khách có tâm vào đây sẽ được con thuyền nhà Phật sẵn sàng cứu vớt). Khu nhà hạ điện rộng rãi 5 gian là nơi thờ đại vương Hoàng Tá Thốn và là nơi hành lễ. Ngoài ra khuôn viên quanh chùa đã được tu bổ lại khang trang và tĩnh tại giữa ngàn cây, và có đến 52 pho tượng và 6 câu đối sẽ được bố trí trong thời gian tới.
Khi đã thấm vào mình sự thư giãn trong tâm của cảnh chùa đưa lại, bước chân của du khách sẽ đưa đến những ngỡ ngàng trước cảnh đẹp hòn Ngư theo con đường uốn lượn quanh đảo. Nhìn xuống, biển mênh mông xanh ngắt, trên đầu, vượt qua nhưng tán cây là trời khoáng đạt bao la. Bước chân có thể chưa mỏi lắm, nhưng cũng đã đến giờ ngồi lại cùng nhau để chuyện trò. Thì đây, dưới tán cây mát rượi, bên bàn ăn lộng gió đại dương, du khách sẽ được thưởng thức những đặc sản đảo Ngư, còn gì thú vị và thanh thản hơn khi được cùng bạn bè, người thân giữa đại dương bao la.
Nay, đảo Ngư đã được khoác lên mình chiếc áo mới. Dự án “Quần thể du lịch sinh thái, biệt thự nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí Lan Châu – Song Ngư” (gọi là Quần thể du lịch Lan Châu – Song Ngư) được UBND tỉnh Nghệ An cấp phép cho Công ty cổ phần Song Ngư Sơn đầu tư xây dựng, khai thác. Là một dự án về quần thể du lịch hướng tới phát triển một nền kinh tế du lịch biển văn minh, hiện đại, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với Cửa Lò. Hiện dự án đã hoàn thiện hệ thống nhà hàng phục vụ nhu cầu thưởng thức hải sản tươi sống, tổ chức tiệc cưới, hội nghị, cà phê trên núi Lan Châu; khu vui chơi giải trí trong nhà, ngoài trời, thể thao dưới nước và dịch vụ du lịch trên đảo Lan Châu – Song Ngư; hệ thống bến tàu, tàu ca nô cao tốc phục vụ du khách; cải tạo bãi đá để làm bãi tắm, câu cá, dạo chơi và chụp ảnh. Dự án hoàn thành sẽ góp phần mở rộng quy mô du lịch của đô thị biển Cửa Lò, tạo việc làm cho lao động của địa phương và nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch Nghệ An, cải thiện tình trạng du lịch một mùa thành du lịch quanh năm, đem lại nguồn lợi kinh tế từ ngành du lịch không khói của Nghệ An.
Giang Đình cổ độ, du thuyền đi qua dân ca
Nằm trong con đường Di sản miền Trung, Giang đình cổ độ đã góp phần đưa bè bạn gần hơn với văn hóa dân ca xứ Nghệ. Bạn hãy cùng lên du thuyền, nghe câu dân ca trải dài theo biển, qua sông. Con sông Lam huyền sử, vướng vít đôi bờ những ngô, những lúa. Trải dài theo mạch sông là lời hát “Ờ ơ, chứ ai biết nước sông Lam răng mà trong, mà đục…”.
Là một hạng mục trong chuỗi dự án phát triển thương mại – dịch vụ của Công ty Cổ phần Song Ngư Sơn – Giang Đình, du thuyền “Giang Đình cổ độ” là trải nghiệm lý tưởng dành cho những du khách đang khao khát có được một chuyến đi mang đậm tính nhân văn, khám phá những nét văn hóa đặc trưng của từng điểm đến. Với tổng trị giá lên đến 2 triệu USD, bao gồm 2 tầng có sức chứa 340 chỗ ngồi, Giang Đình cổ độ là chiếc du thuyền sang trọng, đẳng cấp đầu tiên ở khu vực miền Trung, đáp ứng được trào lưu du lịch trên sông của du khách trong và ngoài nước.
Mang theo những đặc điểm của du thuyền trên sông, từ bất kỳ vị trí nào của Giang Đình cổ độ, du khách cũng có thể thu gọn khung cảnh nên thơ của hai bờ sông Lam vào trong tầm mắt. Trong hành trình trên dòng Lam giang, bạn có thể xuôi ra Cửa Lò thăm đảo Ngư, đảo Lan Châu hay qua đền Củi nơi thờ ông Hoàng Mười – một trong những nhân vật quan trọng trong hệ thống thần điện tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ của người Việt. Bên cạnh đó, không chỉ giới hạn về nghệ thuật thị giác, Giang Đình cổ độ còn làm du khách thỏa mãn về vị giác và khứu giác với những món ăn hấp dẫn do đầu bếp nhiều năm kinh nghiệm thực hiện, hay các bản nhạc du dương được chơi bởi các nghệ sĩ nổi tiếng.
Đặc biệt, một trong những điều gây được ấn tượng mạnh với du khách đó là các hoạt động văn hóa truyền thống được tổ chức ngay trên du thuyền. Từ cách tổ chức các bữa ăn theo chủ đề vùng miền, các chương trình giới thiệu lịch sử điểm đến, các hoạt động giải trí mang đậm bản sắc dân tộc của địa phương, Giang Đình cổ độ sẽ luôn tạo cho bạn cảm giác mới mẻ, cảm giác được khám phá, được hòa mình vào chính cuộc sống của xứ sở bạn đi qua.
Doanh nhân Trần Quốc Lâm mong muốn việc khôi phục bến Giang Đình bên dòng sông Lam thành một tổ hợp độc đáo gồm: chợ văn hóa loại 1, bến du thuyền, khu reort cao cấp, khu câu cá giải trí và đặc biệt là khôi phục nhà đình cổ bằng gỗ lim. Ngồi trên du thuyền, du khách còn được nghe những làn điệu dân ca trú, dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh, nghe lẩy Kiều, trò Kiều… sống trong hơi thở của nghệ thuật truyền thống, mang đậm hồn quê xứ Nghệ.
XUÂN THỐNG – TRẦN HẢI