Ca trù Cổ Đạm trên Du thuyền Giang Đình Cổ Độ du ngoạn Sông Lam

  • 27
0 Giảm giá 0.000 %

         Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) - Là cái nôi của những làn điệu ca trù đã làm ngây ngất lòng người, đến Cổ Đạm ta có thể dễ dàng cảm nhận được ở đây ca trù như ngấm vào máu, vào thịt mỗi người dân. Từ những đứa bé mới lớn, cho đến những người trưởng thành và cả những cụ già vẫn có lòng đam mê, yêu những làn điệu “ứ hự” mượt mà, những câu ca sâu lắng mà triết lý của ca trù.

 

     Ca trù là một loại hình nghệ thuật tổng hợp vừa đàn, vừa hát, vừa ngâm thơ…, vừa mang tính chất dân gian, vừa mang tính bác học. Ở mỗi địa phương, ca trù được gọi bằng các tên gọi khác nhau như: hát Cửa đình, hát Nhà tơ, hát Cô đầu, hát Nhà trò, hát Cửa quyền… còn ở mảnh đất Cổ Đạm - ca trù được gọi là hát Ả đào.

      Theo sử sách cha ông để lại, từ thế kỷ 16 ở mảnh đất Cổ Đạm này, hình thức nghệ thuật ca trù đã bắt đầu có và hình thành nên phường giáo ty Cổ Đạm. Và đến thời kỳ phát triển hưng thịnh, Cổ Đạm đã xây dựng Điện xứ ca trù, trở thành trung tâm ca trù của 4 phủ, 12 huyện Nghệ An và Hà Tĩnh. Đây còn là một trong những giáo phường thuộc vào loại lớn nhất của nước ta thời bấy giờ.
Vào thế kỷ XVII, Ca Trù rất thịnh hành và đến cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, với sự đóng góp to lớn của Nguyễn Công Trứ mà Ca Trù ở Nghi Xuân trở nên nổi tiếng trong thiên hạ.
     So với Ca Trù xứ Bắc thì Ca Trù Cổ Đạm có những nét riêng như hát nhanh và đanh hơn; tiết tấu rõ hơn và không luyến láy; ngừng nghỉ nhiều, cách lấy hơi nhàn nhã, thư thái hơn; phần đệm đàn, trống, phách cũng có những sự khác biệt, phách trong Ca Trù Cổ Đạm đánh nổ, giòn còn cách gõ phách xứ Nghệ ngắn gọn hơn.

     Thông thường, mỗi lần biểu diễn hát ca trù gồm có 3 người: bao gồm 1 người hát là nữ được gọi là ca nương; Người đệm đàn đáy cho người hát được gọi là kép đàn; Một người đánh trống chầu, được gọi là quan viên, người này kiêm luôn người thưởng thức để thưởng hay phạt cho người hát. Nếu quan viên đánh trống tiếng “tùm” thì có nghĩa là khen hay, nếu không hài lòng hay ca nương hát lỗi thì quan viên đánh trống 1 tiếng “chát”.

     Lúc biểu diễn, ca nương ngồi trên chiếu ở giữa, kép đàn và quan viên ngồi lệch sang hai bên. Nhạc cụ để biểu diễn gồm có phách, đàn đáy và trống chầu. Trang phục để các ca nương, kép đàn và quan viên mặc biểu diễn là áo dài cổ truyền màu đen hoặc màu nâu.


Với những giá trị nghệ thuật đặc sắc, thấm đượm tinh thần dân tộc, ngày 01/10/2009, UNESCO đã chính thức công nhận ca trù là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của thế giới. Để bảo tồn và phát huy văn hoá phi vật thể - "ca trù", công ty CP Song Ngư Sơn Giang Đình thường xuyên tổ chức cho các câu lạc bộ ca trù biểu diễn trên du thuyền "Giang Đình Cổ Độ" 340 chỗ nhân những ngày lễ tết, lễ hội để truyền dạy những làn điệu ca trù cho lớp trẻ, biểu diễn cho du khách trong nước và quốc tế khi khách đến Nghi Xuân.
                   


 
 
 Tags: Ca trù ,