Sáng 29/11, UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp Bộ VH-TT&DL, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh”.
Chủ trì hội thảo gồm có: Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Nông Quốc Thành, GS.TS Nguyễn Chí Bền - Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Hồng Hải; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu; Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Viết Trường; Giám đốc VH-TT tỉnh Nghệ An Trần Thị Mỹ Hạnh.
Cùng tham dự hội thảo có: PGS.TS Phạm Lan Oanh - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; lãnh đạo các sở, các ban, ngành và đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nghệ nhân, chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn văn hóa truyền thống của hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.
Sáng 29/11, UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp Bộ VH-TT&DL, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh”.
Chủ trì hội thảo gồm có: Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Nông Quốc Thành, GS.TS Nguyễn Chí Bền - Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Hồng Hải; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu; Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Viết Trường; Giám đốc VH-TT tỉnh Nghệ An Trần Thị Mỹ Hạnh.
Cùng tham dự hội thảo có: PGS.TS Phạm Lan Oanh - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; lãnh đạo các sở, các ban, ngành và đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nghệ nhân, chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn văn hóa truyền thống của hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.
Hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh” là sự kiện nằm trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản”; là hoạt động quan trọng chào mừng kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESSCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được bảo tồn, phát huy giá trị
Khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu khẳng định: Hà Tĩnh tự hào là một trong những cái nôi của dân ca ví, giặm - một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo, thấm đượm hồn quê, gắn bó mật thiết với đời sống thường nhật của người dân.
Sự kiện dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” vào tháng 11/2014 đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản này.
Trải qua chặng đường 10 năm (2014 - 2024), với sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, cùng sự chung tay của các cấp ngành và cộng đồng, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã được bảo tồn, phát huy giá trị. Những nỗ lực đó không chỉ giúp di sản trường tồn mà còn làm giàu thêm đời sống văn hóa, tinh thần của người dân 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn và phát huy di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh vẫn còn gặp không ít thách thức. Hội thảo khoa học lần này là dịp để nhìn lại hành trình 10 năm thực hiện cam kết với UNESCO trong việc bảo vệ, phát huy di sản ví, giặm; quảng bá, giới thiệu những giá trị của ví, giặm Nghệ Tĩnh đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Đồng thời, tăng cường mối quan hệ giao lưu, kết nối di sản văn hóa các vùng miền trong cả nước, đặc biệt là các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh. Đây cũng là cơ hội để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, văn nghệ sỹ, nghệ nhân đánh giá, đề xuất các giải pháp mang tính chiến lược và thực tiễn nhằm nâng cao giá trị của di sản trong thời đại mới.
Thông qua những làn điệu mộc mạc, trữ tình của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh cho thấy chặng đường lịch sử đã qua và dấu ấn văn hóa của quê hương, dân tộc từ ngàn xưa vọng lại.
Sau khi dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” vào tháng 11/2024, hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An đã ban hành nhiều chính sách, đề án, kế hoạch để tăng cường quản lý, bảo tồn, phát huy di sản. Nhiều hội thảo, tọa đàm về dân ca ví, giặm được tổ chức; hàng trăm cuốn sách, bài nghiên cứu khoa học được công bố, xuất bản; định kỳ 2 năm/lần tổ chức Liên hoan Dân ca ví, giặm liên tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh. Từ năm 2014 - 2024, Sở KH&CN Hà Tĩnh triển khai 2 đề tài nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh,
Hiện nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 209 CLB với gần 3.000 hội viên; có 3 nghệ nhân nhân dân, 22 nghệ nhân ưu tú và 68 nghệ nhân dân gian; tỉnh Nghệ An có 140 CLB với 3.000 hội viên, 1 nghệ nhân nhân dân, 48 nghệ nhân ưu tú, 42 nghệ nhân dân gian.
Những nỗ lực nêu trên của cả hệ thống chính trị, các nghệ nhân, nghệ sĩ các nhà nghiên cứu và cơ quan chuyên môn của hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An đã làm cho dân ca ví, giặm luôn trường tồn trong đời sống văn hóa của Nhân dân, trở thành niềm tự hào của người dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị di sản
Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được gần 40 tham luận của các tác giả khắp mọi miền trên cả nước. Tại hội thảo khoa học, đã có 8 tham luận tiêu biểu được trình bày trực tiếp, thể hiện những quan tâm, trăn trở của các chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học, nhà quản lý, đội ngũ nghệ nhân, nghệ sỹ trong và ngoài tỉnh đối với dân ca ví, giặm.
Các tham luận đã tập trung phân tích, làm rõ những nội dung liên quan đến: việc khẳng định giá trị mang tầm nhân loại của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh; công tác gìn giữ, bảo tồn di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Đồng thời, đề xuất nhiều nhóm giải pháp như: bảo tồn và phát huy bền vững dân ca ví, giặm trong đời sống đương đại; truyền dạy dân ca ví, giặm trong trường học, trên sóng truyền hình; bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh quê hương đất nước, tạo điểm nhấn thu hút du khách thập phương.
Cùng đó là tăng cường công tác truyền thông, giới thiệu, quảng bá; tích cực huy động nguồn lực để bảo tồn di sản; ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ thỏa đáng để duy trì các hoạt động của các nhóm, câu lạc bộ; đãi ngộ, tôn vinh các nghệ nhân có công lưu giữ, truyền dạy di sản…
Thông qua việc đánh giá lại công tác bảo tồn, phát huy giá trị của ví, giặm trong 10 năm qua của hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An, các đại biểu khẳng định: trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi các địa phương, ban, ngành phải nỗ lực mạnh mẽ, sáng tạo hơn nữa để đảm bảo di sản được bảo tồn, phát triển bền vững; thích nghi, tồn tại được trong đời sống đương đại.
Các tham luận tiêu biểu gồm: “Bảo tồn và phát huy di sản của nhân loại dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh nhìn từ cam kết quốc gia”; “Bảo tồn, phát huy di sản dân ca ví, giặm phát triển bền vững trong đời sống đương đại - Những thuận lợi, khó khăn và thách thức”; “Kịch chính luận vị thế cho kịch hát ví, giặm và định hướng cho loại hình kịch hát ví, giặm”; “Hiệu quả chính sách đưa dân ca ví, giặm vào trường học ở Hà Tĩnh”; “Những giải pháp cụ thể để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh trong nước và quốc tế”...
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Chí Bền - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đánh giá cao những ý kiến của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các nghệ nhân, nghệ sỹ tại hội thảo. Các ý kiến đã khẳng định dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại; đồng thời, ghi nhận những nỗ lực lớn của 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh trong việc bảo tồn, phát huy, quảng bá di sản 10 năm qua.
GS.TS Nguyễn Chí Bền mong muốn, chính quyền, ngành chức năng hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh tiếp thu những ý kiến, đề xuất của đại biểu và căn cứ vào điều kiện thực tiễn của địa phương để lựa chọn giải pháp phù hợp nhằm phát huy, bảo tồn di sản dân ca ví, giặm trong đời sống hiện đại, lưu truyền cho các thế hệ mai sau.
Tổng kết hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu khẳng định, những tham luận gửi về Ban tổ chức nói chung, ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội thảo nói riêng là sự tâm huyết, trăn trở của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nghệ nhân, nghệ sĩ đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh; đó là nhân tố quan trọng làm nên thành công của hội thảo khoa học "Bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh".
Sự thành công của hội thảo thêm một lần nữa khẳng định mạnh mẽ giá trị của dân ca ví, giặm trong đời sống của người dân xứ Nghệ nói riêng, kho tàng văn hóa của người Việt nói chung. Những ý kiến, giải pháp tâm huyết của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nghệ nhân tại hội thảo là nguồn tư liệu quý, là cơ sở quan trọng để hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh tiếp tục triển khai những chính sách, hành động cụ thể, đưa dân ca ví, giặm vươn xa hơn nữa trong cuộc sống hiện đại, trường tồn trong đời sống tinh thần của Nhân dân.