Một chuyến du thuyền

Một chuyến du thuyền

09:41 - 30/05/2019

Du thuyền chầm chậm trôi dọc dòng Lam yên ả. Non nước hữu tình trong ráng đỏ hoàng hôn đẹp như tranh vẽ. Vừa thưởng thức những món ăn quê hương, vừa lắng nghe điệu ví giặm quê mình, sao mà thương mà nhớ...

Song Ngư - biểu tượng bình an
Chuyến du thuyền của chúng tôi khởi hành lúc 8 giờ sáng, từ bán đảo Lan Châu. Tạm biệt những khóm sim tím lịm trên bán đảo thơ mộng, chia tay những thúng thuyền dập dềnh ven bãi cát, chúng tôi lên tàu cao tốc để ra với đảo Song Ngư - nơi được mệnh danh là hòn ngọc xanh của biển Cửa Lò.
Với khoảng cách 4km, tàu cao tốc cập đảo Song Ngư chỉ sau 15 phút. Hai đỉnh của hòn đảo hiện lên sừng sững, xanh mướt dưới nắng vàng óng ả. Nắng phản chiếu lấp lánh trên mặt sóng, sóng vỗ về bãi đá cuội trắng xóa. Theo chân hướng dẫn viên, chúng tôi men theo con đường đá trắng đi về phía Tây để vào chùa đảo Ngư.
Chùa tựa lưng vào chân núi, lại được bao quanh bởi rất nhiều cây lớn nên tạo cảm giác thanh bình, mát mẻ. Gió biển lồng lộng và nắng hè chói chang dường như cũng dừng chân trước cổng chùa, nhường chỗ cho những tán cây, những tấm gỗ, những viên gạch nhuốm màu trầm tích của thời gian. Mặc dù đã được trùng tu, cải tạo lại nhưng nơi đây không bị mất đi sự cổ kính vốn có của những ngôi chùa cổ.
Du khách vào tham quản đảo Song Ngư Sơn

Hai bên sân chùa là cây lộc vừng và cây giới gần 700 tuổi, giữa sân là giếng Ngọc - nơi duy nhất trên đảo có nước ngọt. Giữa khoảng sân yên bình, tĩnh lặng đó, bằng chất giọng miền biển Nghệ An, cô gái hướng dẫn viên đã đưa chúng tôi ngược dòng thời gian, trở về với truyền thuyết hình thành đảo, chuyện hai anh em tình nguyện dâng mình cho biển dữ để đem lại bình yên cho dân làng; trở về với những trận thủy chiến lẫy lừng của tướng quân Hoàng Tá Thốn - người được vua Trần phong là Sát Hải Đại Vương; trở về với những can trường, quả cảm giữa mưa bom, lửa đạn của bộ đội ta trong 2 cuộc kháng chiến... Hòn Ngư không chỉ là một hòn đảo, Hòn Ngư còn là điểm tựa, là nơi trú ẩn, là biểu tượng bình an của tàu thuyền, ngư dân bao đời nay. Mỗi chuyến ra khơi, mỗi lần qua cảng, những ngư dân, thuyền viên lại tranh thủ ghé chùa để cầu nguyện cho một hành trình thuận buồm, xuôi gió. Giữa mênh mông sóng cả, giữa giông tố mưa sa, thấy đảo như thấy nhà..
 
Giếng Ngọc là nơi duy nhất trên đảo có nước ngọt
Giếng Ngọc là nơi duy nhất trên đảo có nước ngọt
 
Bài thuyết minh đã hết nhưng dường như những tán lá vẫn đang xì xào kể cho nhau nghe về những câu chuyện xưa, về thế hệ cha ông bất tử. Giếng Ngọc trong vắt không bao giờ cạn và những gốc cổ thụ sần sùi nơi đây đã chứng kiến, đã lắng nghe trọn vẹn tất thảy những ước nguyện, những tâm sự đương thời của biết bao thế hệ cha ông, để rồi vỗ về, chở che họ bằng dòng nước ngọt, bằng tán lá xanh của mình.
Sau khi dâng hương tại chùa, mọi người tận dụng quãng thời gian được tham quan tự do để chụp ảnh. Tôi và một vài người khác ngồi xuống dọc cầu cảng, hướng về phía biển, tận hưởng cảm giác lọt thỏm giữa cái màu xanh thẳm khổng lồ của mẹ thiên nhiên, hít căng lồng ngực những cơn gió mặn mòi, tưởng như mình là một phần của biển lớn. Từ đây chúng tôi cũng có thể nhìn thấy những tàu thuyền lớn bé dập dìu qua lại. Cùng với sự phát triển của hệ thống cảng biển Cửa Lò, những tàu cá, tàu hàng đang tấp nập kia, không chỉ là hàng hóa, cá tôm mà còn là cơ hội, là niềm vui, là đoàn viên, là hữu nghị...
 
Neo đậu bến xưa
Chia tay biển, tàu chúng tôi rẽ sóng, đi ngược dòng sông Lam để về với bến Giang Đình. Cuộc trò chuyện với những thuyền viên trên tàu khiến chặng đường dài trở nên ngắn lại. Chuyện về một ngư dân đã dành thanh xuân của mình để lênh đênh trên biển cả, trong những chuyến đánh cá dài ngày, luôn cảm thấy xúc động mỗi khi nhìn thấy đường kẻ nơi chân trời bắt đầu nhấp nhô đất liền. Chuyện về những con sóng cao đến 4-5m trong cơn giông bão, những lạch nước dữ dằn, đỏng đảnh, những kinh nghiệm đi biển truyền từ đời này qua đời khác...
Gần một giờ đồng hồ đi tàu cao tốc, chúng tôi đến bến Giang Đình và được chuyển sang du thuyền “Giang Đình Cổ Độ”. Du thuyền màu trắng, cao như tòa nhà hai tầng, được trang bị để có thể phục vụ cho 340 người một lúc. Tuy nhiên, mối quan tâm lớn nhất của chúng tôi không phải là chiếc du thuyền mà là không gian xung quanh nó: Một bến nước bình yên bên dòng sông êm ả. Đó cũng là lý do khiến những người thích chụp ảnh phong cảnh như tôi xuống bờ thật nhanh để kịp ghi lại những khoảnh khắc nên thơ của bến nước đơn sơ trước khi thuyền nhổ neo.
 
Du thuyền Giang Đình Cổ Độ đón du khách tại bến Giang Đình
Du thuyền Giang Đình Cổ Độ đón du khách tại bến Giang Đình
Bến Giang Đình là một trong “bát cảnh” danh thắng nổi tiếng của huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), cũng là nơi từng đón Tể tướng Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm - thân sinh Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du - trở về quê hương. Nơi đây từng tấp nập thuyền bán buôn, cũng là nơi các tao nhân mặc khách thường lui tới vãn cảnh. Trong thơ của mình, Nguyễn Du cũng từng hơn một lần nhắc đến Giang Đình với nhiều cảm xúc. Phải chăng bến nước này, cảnh non nước này cũng chính là “nguyên liệu” để góp phần làm nên Truyện Kiều với những giá trị vượt không gian và thời gian. Trước thông tin bến Giang Đình đã có đề án khôi phục, ngoài mục đích giao thương, còn mang ý nghĩa bảo tồn văn hóa và khai thác du lịch, tôi kỳ vọng chuyến du thuyền tiếp theo của mình sẽ có thêm nhiều hình ảnh mới của địa danh này.
 
Bến Giang Đình mang vẻ đẹp nên thơ, êm đềm
Bến Giang Đình mang vẻ đẹp nên thơ, êm đềm
 
“Giang Đình cổ độ” nhẹ nhàng rời bến, mang theo những xuýt xoa, thích thú của chúng tôi về phong cảnh hai bên bờ sông. Không chỉ ngắm cảnh, chúng tôi còn được thưởng thức cùng lúc những món ăn đặc trưng của xứ Nghệ như canh cà, nhút chua, những thủy, hải sản tươi ngon và “món ăn tinh thần” dân ca ví giặm, ca trù Cổ Đạm. Cả hai đều là niềm tự hào của người dân Nghệ Tĩnh, đều là những di sản văn hóa phi vật thể được cả thế giới công nhận. Còn bữa tiệc nào trọn vẹn hơn, đủ đầy hơn như thế. Khi tiếng phách, tiếng đàn cất lên, bằng giọng hát của mình, các ca nương đưa chúng tôi về với những ruộng vườn chân chất, với tâm tình mộc mạc. Sân khấu nhỏ, nhạc cụ, phục trang đơn sơ nhưng đủ để làm sống dậy bản sắc văn hóa một vùng địa linh nhân kiệt.
 
Du khách được thưởng thức những làn điệu dân ca Nghệ - Tĩnh trong khi dùng bữa trên du thuyền
Du khách được thưởng thức những làn điệu dân ca Nghệ - Tĩnh trong khi dùng bữa trên du thuyền
 
Kết thúc hành trình nơi chân cầu Bến Thủy 1, trong ánh đỏ hoàng hôn đẹp nao lòng người. Chúng tôi bịn rịn chia tay chuyến đi với những cảm xúc khó gọi thành tên. Một trong những cảm xúc đó chính là sự cảm kích dành cho vợ chồng chủ Công ty CP Song Ngư Sơn. Họ đều là tiến sỹ kinh tế trở về từ xứ sở Bạch dương, quyết tâm ở lại quê hương, tìm kiếm cơ hội làm giàu thông qua việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa vô giá của cha ông.
Sau chuyến du thuyền ngày hôm đấy, tôi đã tìm sang bến Giang Đình thêm một lần nữa, lần này bằng xe máy. Vì có nhiều thời gian, tôi ghé qua Khu lưu niệm Nguyễn Du, đến chợ Giang Đình (đang chuẩn bị được khởi công xây dựng lại), dạo quanh chùa Thanh Lương rồi quay lại thăm làng nồi đất/ ca trù Cổ Đạm. Những điểm đến này cùng với những địa danh như Phương Hoàng Trung Đô, núi Dũng Quyết, Đền Củi... hoàn toàn có thể làm nên một quần thể du lịch sinh thái ven sông Lam đầy tiềm năng. Và tôi tin nếu khai thác đúng cách, những chuyến du thuyền như vậy sẽ đầy ắp du khách trong và ngoài nước.
Diệp Thanh
 
Cụm Hiệp hội du lịch các tỉnh phía Bắc tổ chức tổng kết nhiệm vụ 2023 triển khai nhiệm vụ 2024
Chương trình thiện nguyện tết 2024
Hợp tác du lịch giữa Tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Bình Thuận
Bình Thuận liên kết phát triển du lịch với tỉnh Hà Tĩnh
Hiệp hội du lịch Hà Tĩnh tổ chức Hội thảo du lịch xanh bền vững tại Hà Tĩnh năm 2024